Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013
Viết thư xin việc Tiếng Anh - Những điểm cần lưu ý
Viết thư xin việc bằng tiếng Việt đã khó nhưng viết thư xin việc bằng tiếng Anh lại càng khó hơn, bởi vì đó không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của bạn và đôi khi sự khác biệt về văn hóa khiến cho bạn không biết bắt đầu từ đâu. Sau đây, các hiệu đính viên của Language Bridge sẽ đưa ra những "điểm cần tránh" khi các bạn viết thư xin việc bằng tiếng Anh:
1. Lỗi chính tả:
Khó có thể tin được rằng trung bình cứ 10 thư xin việc mà Language Bridge hiệu đính thì chỉ có một thư xin việc là không có lỗi sai chính tả. Hãy tưởng tượng xem bạn chỉ viết khoảng 250 chữ cho một thư xin việc, mà thư đó lại có nhiều lỗi sai chính tả. Chương trình sửa lỗi tự động của word chính là người bạn của bạn. Hãy để cho nhà tuyển dụng chí ít cũng không đánh giá bạn là người cẩu thả.
2. "I feel that I am a good candidate", "I think I am a good candidate "
Chúng tôi biết rằng là người Việt Nam chúng ta thường nói rằng " Tôi cảm thấy rằng" hoặc " Tôi nghĩ rằng" để cho câu chữ không có độ tác động mạnh, và người đọc có ấn tượng chúng ta không quá kiêu ngạo khi viết về bản thân mình. Điều này xảy ra là do sự khác biệt về văn hóa: người phương Tây không ngại bộc lộ sự tự hào về bản thân, trong khi người Việt Nam chỉ " tự hào ngầm". Tuy nhiên khi viết thư xin việc tiếng Anh, để tạo ấn tượng mạnh đối với nhà tuyển dụng, đặc biệt là những nhà tuyển dụng nước ngoài, bạn nên dùng "I am convinced that I am the best candidate", hoặc "I am confident that I am an ideal candidate" khi nói về bản thân bạn.
3. "Etc" (...v.v.):
Một điều thú vị mà Language Bridge bắt gặp khi hiệu đính thư xin việc bằng tiếng Anh của các bạn là khoảng 40% các bạn sử dụng etc (có nghĩa là"...v.v" trong tiếng Việt) trong thư xin việc của mình. Đây có thể là một lỗi dễ hiểu, vì trong thư xin việc, bạn thường liệt kê các công việc hoặc các thành tích mà bạn đã đạt được. Tuy nhiên, sử dụng "etc" là một điều tối kỵ khi viết thư xin việc bằng tiếng Anh. Tại sao? Vì nhà tuyển dụng có thể cho rằng bạn lười đến nỗi không cả muốn liệt kê tất cả các chi tiết bạn đang nói trong một thư xin việc thì làm sao họ có thể tin tưởng rằng bạn sẽ làm việc chăm chỉ cho họ được.
4. Một lá thư xin việc 150 chữ, 11 từ "I".
Đây là lỗi phổ biến của các bạn khi viết thư xin việc tiếng Anh: lặp từ. Sử dụng từ "I" quá nhiều khiến cho người đọc thư xin việc của bạn cảm thấy nhàm chán, và đồng thời thể hiện sự yếu kém về mặt ngôn ngữ của bạn. Thay vào việc dùng quá nhiều từ"I" khi nói về bản thân, hãy chọn các mẫu câu thay thế mà bạn không phải cần dùng từ này, để tránh tình trạng lặp từ không cần thiết.
5. "I look forward to hearing from you."
Hầu hết các thư xin việc của các bạn đều kết thúc bằng câu này. Bản thân câu kết thư này không sai, nhưng lại không phải là tối ưu cho một bức thư xin việc thuyết phục. Hãy chủ động hơn trong thư xin việc của bạn. Hãy nói bạn có thể tham gia phỏng vấn bất cứ lúc nào, và hoặc nhà tuyển dụng có thể gọi điện thoại cho bạn theo số của bạn bất cứ lúc nào. Một kết thư như vậy khiến cho nhà tuyển dụng biết được rằng bạn rất mong muốn được làm việc cho họ.
6. Thư xin việc chung chung:
Nhiều bạn khi sử dụng dịch vụ của chúng tôi, nói rằng bạn cần một thư xin việc chung chung về bản thân, sở thích, các bằng cấp và thành tích, để sau này gặp việc nào thì gửi cho việc đó. Đây là một sự lãng phí tiền của và trong tất cả các trường hợp, Language Bridge đều khuyên khách hàng không nên làm như vậy. Tại sao? Một thư xin việc chung chung sẽ tạo một ấn tượng mờ nhạt đối với nhà tuyển dụng. Trong một số trường hợp còn gây phản cảm, bởi vì nhà tuyển dụng cảm giác không được coi trọng khi nghĩ rằng bạn gửi thư xin việc này cho cả tá nhà tuyển dụng. Khi viết thư xin việc, hãy làm cho nhà tuyển dụng biết bạn đã đầu tư vào thư xin việc này như thế nào.
Chúng tôi hi vọng việc liệt kê những lỗi phổ biến của các thư xin việc bằng tiếng Anh có thể giúp ích các bạn một phần nào trong công cuộc chinh phục nhà tuyển dụng mơ ước của bạn.
Gửi tới các bạn Một số mẫu CV xin việc bằng Tiếng Anh mà các bạn có thể tham khảo!
Nguồn: Language Bridge
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét